BA BA GIÁ SỈ

BA BA GIỐNG HCM

Trang chủ Hướng Dẫn Chế Biến BaBa Dùng Sao Cho Bổ

BaBa Dùng Sao Cho Bổ

Cách chế biến ba ba thịt và một số bài thuốc quý!

(SKGĐ) Xưa nay người ta thường kháo nhau tiết ba ba uống với rượu sẽ bổ dương nhưng thực chất ba ba bổ như thế nào và ăn sao để không bị ngộ độc thì không phải ai cũng biết.                        

 

Giàu dinh dưỡng

Thịt ba ba có giá trị dinh dưỡng cao, cứ trong 100g thì có 16,5g protid; 1,0g lipid; 1,6g carbohydrate; 107 mg Ca; 135g I-ốt; 1,4 mg sắt; 0,62 mg vitamin B1; 0,37 mg vitamin B2; 3,7 mg nicotinic acid; ngoài ra ba ba còn chứa vitamin A, D…

Theo Đông y, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng huyết, kháng ung, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho người thân nhiệt cao, hay nóng trong, mồ hôi ra nhiều. Hoặc dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh suy gan, suy thận, ra mồ hôi trộm, lỵ mạn tính, sốt rét dai dẳng, băng huyết, rong kinh…

Ngoài ra, thịt ba ba còn giúp tăng cường sức đề kháng, cho người bị bệnh lao phổi, viêm gan mạn tính, xơ gan, đái đường, viêm thận, các bệnh lý ác tính sau khi dùng hoá trị liệu. Thịt ba ba khi kết hợp với một số gia vị có tính nóng sẽ giúp chữa bệnh cho nam giới thận yếu, âm hư, người gầy, hoa mắt chóng mặt, có cảm giác nóng sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, gò má đỏ, di mộng tinh, đại tiện táo, họng khô…

Đầu ba ba qua sơ chế rồi dùng rượu tẩm kỹ, phơi trong bóng mát cho khô rồi đốt cháy, có thể chữa được cam sài lở ngứa ở trẻ em, phụ nữ sau sinh bị sa tử cung, viêm nhiễm vùng kín, bệnh trĩ. Máu ba ba ngâm với mật ong có thể trị bệnh đái đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, bệnh đường ruột…

Mỡ ba ba đem rán thành dạng mỡ nước dùng bôi ngòai để chữa bỏng, vết thương, vết loét, mụn nhọt, bệnh trĩ. Trứng ba ba lấy lòng đỏ gói lá chuối, nướng chín hoặc rán không có mỡ, dùng để ăn có thể chữa kiết lỵ mạn tính.

Trong mai ba ba cũng có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như chất như keratin, chất đạm, vitamin D và i-ốt. Theo các báo Thể Thao Trung Quốc, các vận động viên gần đến ngày thi đấu, trong khẩu phần ăn đều có món ba ba, ít nhất 1 lần/tuần để tăng cường sức khỏe. Trong sách Đông y mai ba ba vị mặn, tính bình, có công dụng dưỡng âm thanh nhiệt, bình can tức phong, nhuyễn kiên tán kết, thường được dùng làm thuốc để chữa các chứng bệnh như hao gầy, lao lực quá độ, đau nhức trong xương, tiểu tiện ra sỏi, sốt rét lâu ngày, người gầy gò, ốm lâu ngày không khỏi, nóng trong xương, sốt từng cơn kéo dài, phụ nữ sau sinh bị lao phổi, mụn mọc trong ruột, tiêu sưng hạ huyết ứ, bế kinh, rong huyết, sỏi tiết niệu…

Lưu ý: Dùng ba ba sống ở môi trường sống tự nhiên sẽ tốt hơn và giàu dinh dưỡng hơn ba ba nuôi.

Nấu sôi để loại trừ chất độc

Khi mua ba ba cần chọn những con còn khỏe mạnh, mắt chưa có dấu hiệu lờ đờ mệt mỏi. Nên chế biến ba ba khi chúng con khỏe mạnh. Tuyệt đối, không nên ăn các loại ba ba đã ốm yếu hoặc đã chết vì nguy cơ nhiễm độc là rất cao. Bởi những con ba ba chết trước khi bị làm thịt thường sản sinh ra histamin, gây ngộ độc cho người ăn chúng. Để đảm bảo khi ăn bạn nên nấu chín thịt ba ba ở nhiệt độ cao từ 100oC thì chất độc sẽ được tiêu hủy. Khi ăn thịt ba ba, bạn cũng nên chú ý tới gia vị và thức ăn đi kèm, vì thịt ba bakhi kết hợp với một số loại gia vị hoặc thức ăn sẽ gây ra những tác dụng phụ dễ gây ngộ độc. Cụ thể ăn thịt ba ba với kinh giới sẽ sinh lở ngứa.

Quả đào lông kỵ thịt ba ba do thịt chứa nhiều đạm mà đào lông lại chứa nhiều acid malic, acid này sẽ làm cho đạm bị biến chất, làm giảm giá trị dinh dưỡng.

Thịt ba ba kỵ trứng gà do ba ba chứa nhiều hoạt chất sinh học. Trứng gà lại chứa nhiều đạm cho nên khi kết hợp hai thứ chung sẽ dẫn đến đạm bị biến chất, làm giảm giá trị dinh dưỡng, gây đầy bụng, ngộ độc cho người ăn. Sau khi ăn ba ba nếu phát hiện các biểu hiện lạ như: đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, mặt đỏ bừng, nhức đầu, nổi mẩn khắp người, chân tay co quắp, đổ mồ hôi…; bệnh nhân cần được nhập viện để được cấp cứu kịp thời vì ngộ độc ba ba thường rất dễ tử vong.

Ai không nên dùng?

Không nên dùng ba ba cho những người có thể chất hư hàn (lạnh trong người), huyết áp thấp, sốt lâu ngày, phụ nữ đang mang thai và những người tỳ vị hư hàn biểu hiện bằng các triệu chứng như: người gầy, sắc mặt nhợt nhạt, dễ mệt mỏi, bụng đầy, chậm tiêu, miệng nhạt, chán ăn, tay chân lạnh và buồn mỏi, đại tiện lỏng. Phụ nữ mang thai ăn thịt ba ba có thể bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu.

Một số bài thuốc từ ba ba

Bài 1: Chữa chứng can thận hư tổn, lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh. Ba ba 1 con, kỷ tử 30g, hoài sơn 30g, nữ trinh tử 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ cùng với các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Bài 2: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái, dùng để chữa các bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản  mạn tính, lao phổi. Ba ba 1 con, tri mẫu 15g, bối mẫu 15g, ngân sài hồ 15g, hạnh nhân 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ với  các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn 2 lần/ngày.

Bài 3: Bổ can, lợi huyết, chữa nhức mỏi xương khớp, sốt rét kéo dài. Ba ba 1 con, mỡ lợn 60g. Ba ba làm sạch, chặt miếng; mỡ lợn thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị rồi ăn nóng.

Bài viết khác

Baba Đực - Baba Cái Con Nào Ngon? Ngày đăng: 23.04.2018
BaBa Om Chuối Đậu Ngày đăng: 16.04.2018
BaBa Tiềm Thuốc Bắc Ngày đăng: 16.04.2018
BaBa Rang Muối Ngày đăng: 23.04.2018
Giá Ba Ba Thịt Ngày đăng: 12.07.2018
Ba Ba - Điều Kiện Xuất Khẩu Ngày đăng: 19.06.2018